KHAI BẾP NGÀY TẾT - CẢ NĂM PHÁT LỘC

Ngày Tết, khai bếp là hoạt động cần được chú trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng để khởi đầu một năm mới thịnh vượng, vạn sự hanh thông.

Văn hóa Việt gắn liền với bếp

Chị Ngọc Minh (37 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết suốt mấy mươi cái Tết, chị luôn giữ thói quen sáng mùng Một phải bật bếp đun nấu chuẩn bị mâm cúng Gia tiên.

"Từ khi còn nhỏ, mỗi cái Tết mình đều nhìn thấy ông bà, cha mẹ chú trọng việc bật bếp đầu năm với quan điểm: ngày Tết, bếp phải ấm lửa thì trong nhà mới có sức sống, gia đạo mới thuận hòa, an khang. Khi lập gia đình riêng, mình vẫn giữ thói quen này, coi như gìn giữ một nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu Xuân" - chị Minh chia sẻ.

Không riêng chị Minh, nhiều gia đình cũng không quên giữ hơi ấm đầu năm cho gian bếp. Chị Nguyễn Minh Hòa (45 tuổi, ngụ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể về cái Tết nhà mình: "Những ngày cuối năm, gia đình thường chuẩn bị đầy đủ các loại thực phẩm, gia vị cho Tết và nấu sẵn những món ăn với ý nghĩ cầu mong may mắn, thuận lợi như canh khổ qua nhồi thịt, thịt hầm măng khô... Nên ngày mùng Một hầu như không phải nấu nướng gì nữa. Tuy nhiên, để đầu năm bếp ấm lửa, tôi vẫn bật bếp đun ấm trà, hâm thức ăn... Không có hơi ấm bếp cho gia đình quây quần thì Tết lạnh lẽo lắm".

"Đầu năm phải có hơi bếp ấm" là quan niệm đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt. Theo Tiến sĩ Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, bếp là nơi tái tạo sức lao động, là nơi giữ lửa, gắn kết mọi thành viên trong gia đình.

"Bếp là nơi hình thành văn hóa gốc rễ của mỗi con người qua từng bài học được dạy trong bữa ăn như ‘ăn trông nồi, ngồi trông hướng’. Và tài lộc trong gia đình còn bắt nguồn từ những món ăn ngon trong căn bếp, vốn được dân gian đúc kết trong câu ‘ăn vóc học hay’ "- Tiến sĩ Trần Long lý giải về vai trò của gian bếp trong văn hóa Việt.

Đặc biệt vào dịp Tết, bếp chính là nơi nuôi dưỡng nếp sống văn hóa với các phong tục gắn liền với gian bếp như: nấu bánh chưng, cúng ông Táo, cúng ông bà tổ tiên... Vậy nên dù trải qua bao thế hệ, cuộc sống có phát triển hiện đại đến đâu, gian bếp vẫn là hình ảnh biểu tượng cho giá trị văn hóa gia đình không thể thay thế.

Khai bếp - hoạt động đầu năm có ý nghĩa

Khai bếp đầu năm bắt nguồn từ tục giữ lửa truyền thống, thực chất là một hành động đã luôn hiện hữu trong mỗi gia đình nhưng ít được gọi tên như một tập tục. Và đúng theo tinh thần "đầu năm phải giữ bếp ấm, nhà mới an, giàu sang mới đến", khai bếp là hoạt động gửi gắm mong ước cả năm mọi sự suôn sẻ, hanh thông, gia đạo sung túc, thuận hòa.

Theo Tiến sĩ Trần Long, tự thân nghi thức khai bếp đầu năm đã hội tụ đầy đủ triết lý âm dương ngũ hành, là cơ sở để vạn sự được hanh thông, thuận lợi.

Cụ thể, hành Kim được thể hiện qua các vật bằng kim loại dùng để nấu ăn như nồi, chảo, xoong - có hình tròn tượng trưng cho sự trọn vẹn. Hành Mộc là đôi đũa tre với một đầu tròn một đầu vuông tượng trưng cho âm dương hòa hợp, lứa đôi hạnh phúc. Hành Thủy để chỉ chất lỏng tượng trưng cho của cải trong gia đình luôn đủ đầy, sung túc. Hành Thủy không chỉ giới hạn là nước mà còn hiểu rộng ra là dầu ăn. Hành Hỏa thể hiện ở ngọn lửa trong bếp tượng trưng cho hơi ấm, sức khỏe và hạnh phúc của gia đình. Hành Thổ chính là người khai bếp, trung tâm của gian bếp, thường gắn với hình ảnh người phụ nữ trong gia đình.

Nghi thức khai bếp được thực hiện đơn giản, không cầu kỳ, không câu nệ hình thức, không quy định người khai bếp, thời điểm thực hiện. Tuy nhiên, để việc khai bếp được tiến hành trơn tru, bếp phải được kiểm tra kỹ lưỡng, nồi chảo sạch sẽ, tròn trịa, lửa không nên quá lớn, các loại gia vị, dầu ăn, nước mắm phải đủ đầy, tránh trường hợp thiếu thốn trong năm mới.

"Có nhiều gia đình nghĩ rằng dầu ăn đọc trại là giầu/giàu nên chủ nhà chuẩn bị chai dầu ăn lớn/đầy trong gian bếp ngày tết", Tiến sĩ Long cho biết thêm.

Nguồn: Tuoi Tre

#xuhuongmoi

#NoQuality

#NoLife

icon hotline